Công dụng và khai thác Cua huỳnh đế

Cua huỳnh đế là đặc sản từ vùng biển Quảng Ngãi đến Phú Yên. Loài cua này trước đây thường được dùng để tiến cống cho các vị vua ở Việt Nam vì tương truyền họ ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe.[3] Cua huỳnh đế có thể chế biến các món như rang me, rang muối, nướng... nhưng ngon nhất và đơn giản trong chế biến vẫn là món hấp ăn với muối tiêu ớt xanh hoặc luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo. So với các loại hải sản khác, cua Huỳnh đế khẳng định đẳng cấp về chất lượng mà lâu nay được ví ngang với cá tuyết đen, cá hồi đỏ.

Về khai thác ở Việt Nam, khoảng cuối đông đến tháng 4 năm sau, khi gió xuân về là lúc ngư dân vào mùa đánh bắt cua huỳnh đế. Giã cào, lưới đánh đằm... là những phương tiện đánh bắt cua thường thấy. Ngư dân miền Trung Việt Nam có thể đánh bắt bằng lưới giã cào, nhưng để có được những chú cua với số lượng nhiều, chắc thịt thì phải dùng một dụng cụ gọi là rập. Rập để bẫy cua huỳnh đế có hình dạng như chiếc nón, được gắn mồi tươi ở chính giữa. Mỗi thuyền ra khơi thường trang bị từ 200 - 300 cái rập, khi thả mỗi cái cách nhau chừng 5m. Cua rúc vào đó ăn mồi và sập bẫy trong các rập.[2]